(0270)3 79 79 79 - Fax: (0270)3 957 279
Vietnamese    English
TIN TỨC
Triển khai vụ Đông Xuân 2018 - 2019

Ngày 17/10, tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang sơ kết sản xuất vụ Thu Đông, Mùa và cả năm 2018; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2018 - 2019 tại các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.


Ảnh minh họa. (Nguồn: sggp.vn).


Theo Cục Trồng trọt, sản xuất vụ lúa Thu Đông, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 704.853 ha, giảm 60.599 ha; năng suất ước đạt 5,4 tấn/ha, sản lượng hơn 3,8 triệu tấn. Vụ Mùa, toàn vùng Nam bộ gieo sạ 336.724 ha; năng suất ước đạt 4,5 tấn/ha, sản lượng hơn 1,5 triệu tấn. Sản xuất lúa cả năm 2018 của toàn vùng Nam bộ gieo sạ hơn 4,38 triệu ha, giảm 63.538 ha; năng suất ước đạt 5,9 tấn/ha, sản lượng hơn 26 triệu tấn lúa.

Trong sản xuất lúa ở Nam bộ, thực hiện cánh đồng lớn được duy trì và phát triển, diện tích từng vụ ổn định theo sự hợp tác với các doanh nghiệp, nhưng còn chiếm tỷ lệ thấp. Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng quy trình canh tác lúa đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể xuất khẩu vào những thị trường cao cấp như: Mỹ, EU, Australia,… Toàn vùng tỷ lệ làm đất bằng cơ giới hóa trên 90%, thu hoạch khoảng 88%.

Nhìn chung, sản xuất lúa năm 2018 ở Nam bộ, các tỉnh, thành đã rà soát thời vụ, mùa vụ kịp thời, linh hoạt, dự đoán những vùng có nguy cơ hạn, mặn và đưa ra biện pháp khắc phục cụ thể, nhất là theo dõi tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất. Khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường, những giống có khả năng thích ứng với điều kiện hạn, mặn để gieo trồng. Kiểm tra hệ thống đê bao ở những vùng ngập lũ trong sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa và những diễn biến của tình hình khí tượng thủy văn ảnh hưởng đến sản xuất lúa.

Tuy nhiên, sản xuất lúa năm 2018 ở Nam bộ còn một số nơi việc xuống giống chưa theo khuyến cáo chung của các cơ quan chuyên môn về nguồn nước và dự báo dịch hại rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá. Các giống lúa chịu mặn tốt tại nhiều địa phương nhưng chưa được theo dõi, đánh giá để khuyến cáo đưa vào sản xuất. ác thăm đồng, dự báo sản xuất chưa được quan tâm thường xuyên.

Tiếp đến, sản xuất cây màu ở Nam bộ có diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng tăng so năm 2017 như: khoai lang, rau, đậu các loại,… Tổng diện tích gieo trồng cây rau màu năm 2018 vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hơn 494.200 ha, sản lượng trên 7,2 triệu tấn. Diện tích gieo trồng cây công nghiệp ngắn ngày giảm do ảnh hưởng của giá bán thương phẩm các loại thấp như: sắn, mía, lạc, vừng,…

Tổng diện tích gieo trồng cây công nghiệp ngắn ngày vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hơn 184.264 ha, sản lượng trên 8 triệu tấn. Cây công nghiệp dài ngày như: Hồ tiêu, điều, cao su, cà phê có tổng diện tích 821.408 ha, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam bộ.

Cùng với đó, sản xuất cây ăn quả vùng Nam bộ diện tích 432.300 ha, chiếm 46,8% diện tích cây ăn quả cả nước, với nhiều loại như: Xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi, thanh long, vú sữa, cam, quýt, mít,…

Trong sản xuất cây ăn quả ở Nam bộ, việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật liên tục được cải thiện và nâng cao. Nông dân tích cực tham gia sử dụng giống mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức sản xuất an toàn theo hướng GAP, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và uy tín trái cây của vùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2018 diễn ra trong tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long lũ về sớm, mực nước lũ cao hơn cùng kỳ ảnh hưởng đến sản xuất lúa Hè Thu và đe dọa sản xuất lúa Thu Đông. Ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tình trạng khô hạn, nước mặn xâm nhập cuối vụ còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, nhất là muỗi hành xuất hiện gây hại trên các trà lúa gieo sạ muộn ngoài lịch khuyến cáo. Thị trường tiêu thụ nông sản biến động, một số sản phẩm nông sản giá thấp như: mía, vừng, dưa hấu, hồ tiêu,... Tuy vậy, đến thời điểm này sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa và cả năm 2018 tại các tỉnh Nam bộ cơ bản đạt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Sản xuất vụ Đông Xuân 2018 - 2019 ở vùng Nam bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng tăng chất lượng, giá trị và bền vững.

Theo đó, các địa phương xác định các cây trồng chủ lực theo lợi thế so sánh, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật từ giống đến quy trình canh tác, vệ sinh an toàn thực phẩm. Triển khai tái cơ cấu lúa ngành hàng lúa, gạo đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giảm giá thành, tăng lợi nhuận và tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, phối hợp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hiệu quả theo chuỗi. Tăng cường chỉ đại rãi vụ thu hoạch 5 loại cây ăn trái chủ lực là sầu riêng, thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm và mở rộng sang một số loại cây ăn trái có tiềm năng.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sắp xếp lịch thời vụ sản xuất lúa hợp lý, hiệu quả, cơ cấu giống phù hợp, giảm giá thành, tăng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lợi nhuận cao. Dự tính, dự báo sản lượng lúa gạo, cây ăn trái; tổ chức quản lý vùng trồng một số cây trồng chủ lực như: lúa, cây ăn trái, cây ngắn ngày, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Gieo sạ 1.573.100 ha lúa Đông Xuân, năng suất 6,92 tấn/ha, sản lượng hơn 10,8 triệu tấn lúa.

Vùng Đông Nam bộ tập trung chăm sóc, bảo vệ cây công nghiệp, quản lý việc mở rộng phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, kiểm soát chất lượng giống và áp dụng mạnh mẽ các kỹ thuật canh tác tiên tiến. Gieo sạ 79.400 ha lúa Đông Xuân, năng suất 5,6 tấn/ha, sản lượng 450.000 tấn lúa./.

Lê Huy Hải/TTXVN

Liên hệ

A PHP Error was encountered

Severity: Notice

Message: Undefined index: cfDesc

Filename: view/home.php

Line Number: 230

Thống kê
Số người online : 7
Tất cả               : 2570
Đóng lại